Văn hóa - Xã hội - Giáo dục - Y tế Thời_bao_cấp

Hình ảnh đường phố Hà Nội năm 1973, với xe đạp là phương tiện đi lại chủ yếu

Văn hóa

Người dân ít được tiếp xúc văn hóa phương Tây, văn học, phim, nhạc... đều được kiểm soát, được xem là "trong sạch", gần gũi quần chúng và có giá trị nghệ thuật. Văn học được lưu hành chủ yếu là văn học cổ điển, văn học Nga, văn học xã hội chủ nghĩa, văn học cánh tả, văn học hiện thực phê phán, hiện thực xã hội chủ nghĩa và lãng mạn tích cực; các trường phái được xem là "tiêu cực", "rẻ tiền" không được phép lưu hành.

Phim chỉ có phim nhựa (kể cả phim tài liệu), chưa có phim truyền hình, chủ yếu chiếu rạp, lưu động và phát một số buổi nhất định trên truyền hình. Phim thương mại được chấp nhận ở mức độ nhất định. Các phim nước ngoài được trình chiếu chủ yếu là phim Liên Xô và các phim các nước xã hội chủ nghĩa (phim Trung Quốc bị cấm sau chiến tranh biên giới năm 1979), ngoài ra còn có phim các nước Pháp, Mỹ, Anh, Ấn Độ,...

Nhà nước chú trọng chống mê tín dị đoan, phổ biến khoa học. Báo chí không có quảng cáo thương mại. Các tờ báo rất giống nhau về quan điểm, tư tưởng, chỉ khác là phục vụ cho các đối tượng khác nhau, không chạy theo lợi nhuận, được bao cấp. Các văn nghệ sĩ sinh hoạt trong các cơ quan tổ chức của nhà nước, được nhà nước trả lương như công chức.

Xã hội

Ngoài hậu quả kinh tế, thời bao cấp tại Việt Nam cũng là thời kỳ khép kín và nghi kỵ về mặt xã hội và chính trị. Mặc dù không có luật chính thức, nhưng nhà nước khá thận trọng với người phương Tây, người nước ngoài vì khác biệt tư tưởng và các vấn đề an ninh. Người Việt phần lớn không được tiếp xúc với người ngoại quốc. Ai vi phạm sẽ bị công an tra hỏi.[3] Du lịch không được quan tâm, xuất nhập cảnh rất gắt gao.

Sự thiếu thốn thời bao cấp khiến nạn ăn cắp vặt nảy sinh.[8] Phân hóa giàu nghèo rất thấp. Giáo dục, y tế được bao cấp dù khá nghèo nàn về trang thiết bị. Sinh viên ra trường đều có việc làm nhưng chịu sự phân công của nhà nước, không được tự lựa chọn công việc, không bị thất nghiệp. Thi đại học rất khó, đòi hỏi tiêu chuẩn cao. Tính cộng đồng trong xã hội cao. Không có nhiều loại hình giải trí nhưng con người ít chịu áp lực của công việc và nhu cầu vật chất hơn so với thời kỳ Đổi Mới.

Giáo dục

Thành tựu giáo dục trong thời kỳ này là phát triển hệ thống giáo dục phổ thông đại trà đến tận cấp xã; mỗi xã, phường đều có trường phổ thông cấp I hoặc trường phổ thông cấp I-II, kể cả giáo dục mầm non; tập trung cho công tác bổ túc văn hóa và xóa mù chữ trong độ tuổi đi học; mỗi quận - huyện, thị xã có trường bổ túc văn hóa cho cán bộ cơ sở. Tuy nhiên đi kèm với sự phát triển mạnh về mặt số lượng, chất lượng hệ thống giáo dục lại đi xuống vì tình trạng thiếu trường lớp, thiếu giáo viên được đào tạo tốt, lương giáo viên bị hạ thấp, việc thi cử bị buông lỏng, bệnh thành tích phát triển.

Khi hai miền Nam và Bắc thống nhất năm 1976 thì khuôn mẫu giáo dục ở miền Bắc tiếp cận với hệ thống giáo dục đã được thiết lập ở miền Nam; cụ thể nhất là học trình 10 năm tiểu học và trung học ở miền Bắc phải phù hợp với học trình 12 năm ở trong Nam. Hai hệ thống này song hành; Miền Bắc tiếp tục hệ 10 năm và miền Nam giữ hệ 12 năm từ năm 1976 đến năm 1981.

Đến năm 1981, thì cho áp dụng hệ 11 năm cho miền Bắc (thêm lớp 5).[25] Năm 1992-1993, hệ thống 11 năm phổ thông của miền Bắc được thay đổi từ 11 năm sang 12 năm (thêm lớp 9). Từ đó đến nay toàn bộ hệ thống là 12 năm thống nhất cả nước. Cuộc cải cách giáo dục bắt đầu từ năm 1981: Hệ thống giáo dục chuyển từ 10 năm sang 12 năm (bỏ lớp vỡ lòng), kéo theo sự đổi mới chương trình sách giáo khoa và cải tiến chữ viết. Do dư luận xã hội phản ứng mạnh, ngành giáo dục dần quay lại chữ viết cũ. Do tinh thần chỉ đạo hệ thống giáo dục Việt Nam phải bắt kịp trình độ Liên Xô và các nước Đông Âu, khiến chương trình giảng dạy của cuộc cải cách giáo dục năm 1981 bị chính các nhà trường kêu quá tải. Với ý nghĩa nội dung bao giờ cũng quyết định phương pháp, nếu sách giáo khoa bị quá tải thì không có một phương pháp nào ngoài phương pháp truyền thụ một chiều cho kịp với nội dung sách giáo khoa.

Y tế

Thời bao cấp, người dân đi khám chữa bệnh hay mua thuốc rồi mang hóa đơn về cơ quan hay bệnh viện thanh toán mà không mất tiền, song điều kiện chữa trị vô cùng thiếu thốn.[26] Bao cấp nhưng trong bối cảnh Nhà nước thiếu kinh phí, sản xuất không phát triển nên bệnh viện gặp vô vàn khó khăn. Các loại thuốc men, trang thiết bị y tế… chủ yếu được viện trợ. Bộ Y tế có cả Vụ kế hoạch, Cục Vật tư làm nhiệm vụ phân chỉ tiêu cho các bệnh viện. Ví dụ Bệnh viện Bạch Mai một năm được cấp bao nhiêu cái chiếu, chăn, đường, sữa, xăng dầu, thuốc men… Các bệnh viện thời bao cấp có quy mô nhỏ, chủ yếu kiểu nhà một tầng đến ba tầng. Thuốc men, thiết bị y tế không đủ đáp ứng nhu cầu một phần nhập khẩu, một phần được viện trợ từ các nước cộng sản.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thời_bao_cấp http://www.ninh-hoa.com/bk-ThuyNguyen_GiaoDucvaThi... http://europa.eu/rapid/press-release_IP-86-514_en.... http://vi.rfi.fr/viet-nam/20150612-thoi-bao-cap-qu... http://www.viet-studies.info/VTNhan/VTNhan_ThoiBao... http://vnexpress.net/tin-tuc/su-kien/30-nam-doi-mo... http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/cong-cuoc-sap... http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/nhung-chuyen-... http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/bao-... http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai33/201533_Tran... http://www.viet-studies.org/VTNhan/VTNhan_ThoiBaoC...